Khi trẻ bị co giật do sốt, nên đặt nằm nghiêng, nới lỏng quần áo, theo dõi các dấu hiệu về hô hấp; nếu bị tím tái, khó thở cần đưa đến bệnh viện.

BS.CKI Lê Thu Trang, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết co giật do sốt thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, trong đó phổ biến nhất là nhóm 12-18 tháng tuổi. Trẻ co giật do sốt đơn thuần sẽ run rẩy toàn thân, thời gian kéo dài dưới 15 phút, không tái phát trong 24 giờ. Bé co giật do sốt phức tạp sẽ kéo dài trên 15 phút, tái phát cơn giật trong 24 giờ hoặc chỉ co giật một bộ phận, một bên cơ thể.

Nếu trẻ bị co giật do sốt, người nhà nên bình tĩnh và xử trí theo các bước sau.

Đặt trẻ nằm nghiêng

Khi bé co giật, đặt nằm nghiêng trên một bề mặt phẳng, mềm, đảm bảo không bị ngã. Tư thế nằm là nghiêng bên trái với cánh tay dưới duỗi thẳng ra giúp ngăn nghẹt thở do chất lỏng (nước bọt hoặc chất nôn) đi vào phổi. Với tư thế này, cha mẹ cũng thuận tiện trong việc quan sát và an ủi bé.

Không nên đặt trẻ lên bàn hoặc giường vì co giật có thể khiến trẻ bị ngã. Không cố ôm hoặc giữ trẻ trong vòng tay có thể làm tăng nguy cơ chấn thương.

Loại bỏ các đồ vật xung quanh

Sau khi cho trẻ nằm nghiêng, cha mẹ loại bỏ các vật cứng hoặc sắc ở gần trẻ, tránh nguy cơ gây tổn thương. Mẹ sử dụng gối hoặc chăn, quần áo để bảo vệ đầu của trẻ.

Cha mẹ cần chú ý chăm sóc đúng cách khi trẻ bị sốt. Ảnh: Freepik

Cha mẹ cần chú ý chăm sóc đúng cách khi trẻ bị sốt. Ảnh: Freepik

Nới lỏng quần áo

Trẻ bị sốt dẫn đến co giật nên mặc đồ rộng thoáng, thấm hút mồ hôi. Nới lỏng quần áo bó sát, nhất là xung quanh đầu và cổ để trẻ dễ cử động, dễ thở hơn. Nếu trong phòng nóng, hãy mở cửa ra vào và cửa sổ đảm bảo có luồng không khí thông thoáng, trong lành.

Theo dõi các dấu hiệu về hô hấp

Tư thế nằm nghiêng và ngửa đầu ra sau giúp trẻ thở dễ dàng hơn. Cần theo dõi dấu hiệu về hô hấp. Nếu trẻ tím tái, khó thở trong cơn co giật cần nhanh chóng đưa trẻ nhập viện để xử trí kịp thời.

Theo dõi thời gian của cơn co giật

Khi trẻ bắt đầu xuất hiện cơn co giật, bạn cần theo dõi thời gian xảy ra. Cơn co giật ngắn thường vô hại, phần lớn trẻ sẽ hồi phục nhanh chóng, không gặp biến chứng lâu dài. Với cơn co giật kéo dài, khoảng 2,5-5% trẻ sẽ phát triển bệnh động kinh.

Khi trẻ bị co giật, cha mẹ không cố giữ, không cho bất cứ thứ gì vào miệng bé. Cũng không nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt hay ngâm mình trong nước mát hoặc ấm để hạ nhiệt.

Sau khi hết co giật, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ đánh giá toàn diện, loại trừ một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng như viêm não, viêm màng não…

Bác sĩ Trang khuyên tình huống nghiêm trọng cần cấp cứu ngay là khi cơn co giật kéo dài hơn 5 phút hoặc trẻ tím tái, khó thở.

Trẻ cần được chăm sóc y tế khẩn cấp nếu đó là cơn co giật do sốt đầu tiên bé trải qua, khó thở, có các triệu chứng nhiễm trùng não hoặc tủy sống như cứng, đau cổ, nôn mửa thường xuyên…